Vào lúc 20g00 ngày thứ Ba, 19.6.2012, tại hội quán bồ câu quận 8, ban tổ chức giải đua bồ câu đưa thư tranh cúp ĐỘC LẬP lần 2-2013 dành cho chiến binh trẻ mang kiềng HCM-Q8 2013 đã họp bàn lần cuối và cùng thống nhất chọn ĐÈO CẢ là điểm tranh tài cho chiến binh trẻ mang kiềng HCM-Q8 2013 tranh cúp ĐỘC LẬP lần 2-2013 sẽ được tổ chức vào dịp lễ Quốc Khánh 2-9. 


Sau đây, mời các căn cứ cùng du lịch, tham quan và tìm hiểu một số thông tin về ĐÈO CẢ - một địa danh nổi tiếng của khu vực miền Trung...
______________________________________

Đèo Cả là tên một dãy núi cao thuộc hệ thống núi đông Trường Sơn, có sườn phía đông dốc đứng và tiếp xúc thẳng với biển Đông. Trên đỉnh đèo Cả – nơi có QL1 chạy qua là ranh giới phân chia giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ( cách thành phố Nha Trang 90 km và thị xã Tuy Hòa 30 km). Đây là một địa danh rất nối tiếng được khách phương xa biết đến bởi dưới chân có Vũng Rô sâu thẳm và bãi biển Đại Lãnh được xếp vào loại đẹp nhất nước ta. 

Dãy đèo Cả có cấu trúc địa chất khá điển hình, đó là một phức hệ đá xâm nhập bao gồm hầu như một loại đá Granit ( đá hoa cương) kết tinh hạt rất thô, độ bền cực cao, mức độ nứt nẻ thấp và thường có những monolith (khối), kích thước lớn – một nguyên liệu thiên nhiên lý tưởng cho nghệ thuật tạo hình và cho công nghệ đá trắng lát. Phức hệ đá Granit đèo Cả được các nhà địa chất học điển hình hóa và lấy tên gọi chung cho tất cả các thành tạo xâm nhập được hình thành vào cuối thời cainozo, có cùng cấu tạo và thành phần ở suốt một dãy của Nam Trung Bộ – phức hệ đèo Cả. 
Đường thiên lý bắc nam uốn lượn khuất khúc, quanh co trên 10km lưng chừng đèo Cả. Đèo Cả thuộc địa phận tỉnh Phú Yên thì rất dốc. Sau những cánh đồng lúa bát ngát của Tuy Hòa là đột ngột núi cao xuất hiện với nhiều hẻm vực. QL1 lúc ẩn, lúc hiện trên lưng chừng đèo, cố gắng nâng dần bình độ đạt đến đỉnh cao, khiến cho du khách nhiều phen hồi hộp đến toát mồ hôi khi nhìn thấy những hẻm sâu thăm thẳm dưới chân đèo. Ở địa phận của tỉnh Khánh Hòa, dộ dốc của đèo tương đối thấp hơn, dưới chân là biển Đông, Vũng Rô xanh ngát một màu. Cuối đèo Cả là cánh cung Đại Lãnh, một làng chài, một bãi biển nức tiếng gần xa. 

Trên đèo Cả có đỉnh núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) cao 706m, đứng sừng sững, uy nghi, sáng sớm và chiều chiều mây phủ tứ bề, khi ẩn khi hiện. Trong “Lịch triều hiến chương loạn chí” có ghi: “ Thạch Bi Sơn ở bờ biển là chỗ phân chia địa giới giữa các triều trước với nước Chiêm Thành”. Vua Lê Thánh Tông từng sai đục đá làm bia để giới hạn và lưu lại những tích. Tuy nhiên cho tới nay những nhà khảo cổ học đã dày công tìm kiếm xung quanh và trên tảng Đá Bia khổng lồ này, song vẫn chưa tìm thấy bút tích nói trên. 

Núi Đá Bia nhô hẳn mình ra biển Đông kéo dài tạo nên một bán đảo che chắn sóng gió cho Vũng Rô. Bởi vậy cảng Vũng Rô tuy có sâu, nơi sâu nhất có thể đạt mức nước là 16m mà quanh năm vẫn sóng yên biển lặng. Trước năm 1975 nơi đây từng là cảng quân sự của Mỹ – Ngụy, đảm bảo tiếp tế hậu cần cho những căn cứ quân sự kéo dài tới 20 km suốt từ Đà Nông đến Đông Tác. Và cũng thật thú vị khi du khách biết rằng chính nơi đây Vũng Rô cũng là nơi tiếp nhận vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến đấu từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường quân khu V, được chuyên chở bằng những con tàu không số của Hải quân Việt Nam, làm điên đảo những bộ óc chuyên tính toán bằng máy móc của Lầu Năm Góc – Hoa Kỳ. Biết bao tấn vũ khí đạn dược, muối, gạo, thuốc men đã được bốc lên từ Vũng Rô và vận chuyển trên những đọan đường này để tới tay các chiến sỹ giải phóng, các chiến sỹ cách mạng mật trong các căn cứ và đô thị. Ở Vũng Rô hiện nay vẫn còn xác một con tàu không số từ miền bắc vào bị lộ. Các chiến sỹ của ta tranh thủ bốc hết hàng, đặt bộc phá đánh đắm tàu, đặt thuốc nổ đánh sập cửa hang, không cho địch cướp toàn bộ vũ khí trong hang, sau khi đã chuyển được một phần lên căn cứ. 

Dừng chân trên đèo Cả, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ có dịp ngắm toàn cảnh Vũng Rô hùng vĩ, núi Đá Bia uy nghi, những hòn đảo xa, gần quy tụ lại tạo nên một bức tranh sơn thủy tuyệt vời. Du khách còn biết lưu luyến và thương mến nơi đây hơn khi biết rằng Vũng Rô và Thạch Bi Sơn đã bao phen chững kiến những thăng trầm của lịch sử đất nước, tạo nên những điển tích vẫn còn lưu luyến đến ngàn đời sau. 

Truyền thuyết về tượng Hòn Vọng Phu trên đỉnh đèo Cả.

Ngày xưa có hai anh em sống cùng chung với nhau rất hòa thuận, người anh luôn dành hết những sự ưu ái của mình cho người em gái. Một ngày kia đang lúc vui đùa với nhau người anh vô tình làm người em gái bị ngã để lại một vết thương dài ở đầu. Nhưng rồi chinh chiến xảy ra, hai anh em thất lạc không biết được tông tích của người em gái. Thời gian dần trôi, người anh trở thành một người thương buôn giàu có; người em trở thành một thiếu nữ xinh đẹp đảm đang hiền thục, giỏi thêu thùa dệt vải. Ông trời thật trớ trêu, ông tơ bà nguyệt lại se duyên cho hai anh em này lại lấy nhau. Họ sống rất hạnh phúc trong sự đầm ấm thương yêu của nhau và có một bé trai rất kháu khỉnh. Một ngày nọ, người chồng mới lấy lược chải tóc cho vợ phát hiện một vết sẹo to trên đầu vợ mình, bèn sinh nghi, hỏi vợ về nguồn gốc vết sẹo. Nàng thật thà kể lại đầu đuôi câu chuyện! Trời như sập đổ đầu người anh! Người vợ bao nhiêu năm nay anh chung sống lại là người em thân yêu thất lạc lâu nay. 

Người anh bối rối không biết tính sao? Anh quyết định ra đi, ra đi vĩnh viễn không về đây là giải pháp tốt nhất để sự thật mãi im lặng. Người vợ thấy chồng đi đã lâu mà không về, ngày ngày bồng con lên núi mong ngóng chồng về, chờ mãi chờ mãi nàng đã hóa đá với nỗi niềm mong một ngày đoàn tụ. 


Tại Lạng Sơn cũng có Hòn Vọng Phu – nàng Tô Thị nhưng lại là chờ chồng đi chinh chiến mà vẫn không về nên hóa đá, mặt hướng về phía Bắc. 






















Nguồn: saigontosreco.com